Cua cốm hay còn gọi là cua 2 da; so với các loại cua biển khác như yếm vuông, y nhất, y nhì, y ba, gạch son thì cua cốm là loại cua rất hiếm và ngon nhất trong tất cả các loại cua.
Cua Biển Cà Mau được chọn là cua biển ngon nhất cả nước với độ ngon, ngọt, độ dai và thơm. Với những điều kiện tốt, 3 mặt giáp biển với 3 hệ sinh thái mặn-ngọt-lợ làm cho Cua Cà Mau ngày nổi tiếng hơn. Đặc biệt phải kể đến là cua thịt và cua gạch.
Đặc sản cua cốm – cua 2da Cà Mau
Cua cốm hay còn gọi là cua 2 da. Cua cốm thực ra là cua biển sắp đến ngày lột xác (lột vỏ) để lớn lên và chuẩn bị thành cua lột.
Sở dĩ cua cốm hiếm là do trong khoảng thời gian lột xác, cua cốm vào hang trú ngụ, không di chuyển và lấp kín miệng hang để trốn tránh kẻ thù. Do đó, để bắt được cua cốm, phần lớn người dân chỉ dùng cách đào hang rất khó khăn, vất vả nên số lượng cua cốm bán trên thị trường là không nhiều.
Cua cốm sắp đến ngày lột thường rất khờ, ít kẹp, không còn hung dữ như cua thường. Theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều cách để phân biệt cua cốm và cua thường. Nếu như cua thường, khi mở phần yếm sẽ thấy lông màu trắng, còn cua cốm sẽ thấy lông màu hồng đỏ.
Riêng cua cốm đực, phần lông của nó cũng màu trắng. Do đó, đối với trường hợp này, cách phân biệt là để ý chân bơi và hông cua. Nếu chân bơi thấy có đường viền đỏ, hoặc bên hông bị nứt vỏ (ở Cà Mau người ta gọi là chạy chỉ) thì đó là cua cốm.
Cua cốm sắp đến ngày lột, lớp vỏ bên ngoài thường rất giòn, rất dễ vỡ và có thể dùng tay tách nhẹ lớp vỏ cứng ngoài cùng ra khỏi thân cua. Khi tách lớp vỏ bên ngoài, sẽ xuất hiện lớp vỏ thứ 2. Lớp vỏ này do mới hình thành nên nó không cứng và mềm nhũn.
Cua cốm thường rất chắc, không bị ốp, thân đầy thịt, đầy gạch và không nước. Phần gạch của cua cốm, thật ra là lớp chất dinh dưỡng mà cua dự trữ để nuôi cơ thể trong những ngày lột xác không đi kiếm ăn được. Gạch cua cốm có màu vàng nhạt, ăn rất thơm ngon, béo, bùi, không bị cứng và ăn không ngán như gạch son ở cua gạch.
Cua cốm có thể chế biến nhiều món ăn ngon như nướng, luộc, hấp, chiên... Khi chế biến, lớp vỏ ngoài cùng của cua cốm sẽ bong ra, để lộ lớp vỏ non mềm. Sau khi lột lớp vỏ cứng bao bọc phía bên ngoài, cua cốm thường không còn xương, có thể ăn trọn vẹn thịt, xương và lớp vỏ mới của cua. Vì vậy, cua cốm là đặc sản chỉ dành cho những người sành ăn nhất, khó tính nhất nên cua cốm thường có giá gần gấp đôi so với cua thường, cua gạch.